Lễ hội Nghinh Ông Phan Thiết theo thông lệ tổ chức 02 năm một lần (các năm chẵn dương lịch) với mục đích bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian truyền thống của bà con người Hoa, một bộ phận cộng đồng dân cư trong quá trình hình thành và phát triển thành phố Phan Thiết. Cùng Du lịch Phan Thiết khám phá lễ đội đặc sắc và độc đáo này của các năm trước nhé:
Nguồn gốc lễ hội Nghinh Ông
Người Hoa ở Phan Thiết thờ Quan Công ở Chùa Ông Phan Thiết (tên gọi khác “Đền Quan Công” hay “Quan Đế Miếu”). Chùa được xây dựng theo kiểu kiến trúc đền miếu, từ kết cấu kiến trúc đến trang trí nghệ thuật, màu sắc hoàn toàn theo kiểu truyền thống gồm một tổng thể nhiều gian thờ.
Kể từ lúc người Hoa xây dựng và hoàn thiện dần chùa Ông vào năm 1778 cũng là năm chính thức các nghi lễ thờ cúng Quan Công bắt đầu được thực hiện ở chùa theo phong cách và phương thức của người Trung Hoa. Phong tục tập quán của người Hoa gần như được giữ nguyên khi di cư sang Việt Nam. Đây là đặc trưng cơ bản nhất trong văn hóa của người Hoa ở Phan Thiết và đặc trưng văn hóa này đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa của cộng đồng cư dân Phan Thiết, thể hiện ước mong cao đẹp của con người về một cuộc sống tốt đẹp, để hướng tới “Chân – Thiện – Mỹ”.
Lễ hội Nghinh Ông diễn ra khi nào?
Lễ hội Nghinh Ông Phan Thiết diễn ra 2 năm một lần, vào hạ tuần tháng 7 âm lịch. Theo người Hoa tháng 7 âm lịch là mùa báo hiếu với tổ tiên, với thánh thần theo năm chẵn dương lịch, thường thì được diễn ra trong 3 ngày. Lễ hội diễn ra theo nghi thức truyền thống, trong đó có nghi thức Nghinh Ông xuất du qua các tuyền đường thành phố Phan Thiết với sự tham gia của hơn 1.000 người. Lễ hội hiện là lễ hội truyền thống phục vụ phát triển du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến Phan Thiết – Bình Thuận đến với du khách trong, ngoài nước.
Các hoạt động chính của lễ hội Nghinh Ông
Các hoạt động chính như: Lễ thỉnh thánh mẫu; Lễ thỉnh kinh; Lễ khai kinh; Lễ Yết Quan thánh; Lễ chiêu vong; Lễ phóng đăng; Lễ hội hóa trang, biểu diễn nghệ thuật lân sư rồng và nhất là Lễ Nginh Ông xuất du trên các đường phố trung tâm thành phố Phan Thiết với sự tham gia biểu diễn của hơn 700 diễn viên quần chúng đến từ các hội quán như Hội Quán Phước Kiến, Hội Quán Quảng Đông, Hội Quán Triều Châu, Hội Quán Hải Nam, Đoàn Quan Đế Miếu.
—- Quảng cáo—-
Click để xem chương trình tour xe jeep
Phần Lễ Nghinh Ông
Bất cứ lễ hội nào của các dân tộc, nội dung quan trọng nhất, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nhất đều bắt nguồn từ phần lễ. Nếu không có phần lễ thì không có phần hội tiếp theo (trừ những phần hội của cuộc sống hiện đại). Lễ là phần nghi thức tưởng nhớ đến những người anh hùng dân tộc, những bậc Tiền hiền có công lớn với đất nước, với làng xã hay tổ tiên là sự thờ phụng của nhân dân đối với nhân vật chính được thờ ở trong đền, miếu, ở chùa.
Ở chùa Ông, thông thường hàng năm có các nghi lễ sau: Lễ giao thừa, lễ cúng Trời, lễ vía đức Quan Thánh, lễ vía Bà Chúa Sanh, lễ vía Bà Thiên Hậu, lễ vía Ông Quan Bình, lễ vía ông Châu Xương, lễ vào các ngày rằm… Đặc biệt trong số lễ thông thường hàng năm thì lễ giao thừa có hàng ngàn người từ các nẻo đường ở Phan Thiết đến tham gia theo một phong tục xưa, kể cả người Hoa và người Việt. Đây là dịp để bà con đến viếng chùa, hái lộc cầu cho quốc thái dân an, cho việc làm ăn được thuận lợi.
Nét độc đáo của Lễ hội Nghinh Ông là toàn bộ các lễ vật dâng tế cho Thánh, Thần, Tiền hiền, Tổ tiên… trong hai ngày lễ đều mang tính thuần khiết của Phật giáo, bao gồm: Đèn, hương, hoa, quả, bánh ngọt…Phần lễ của Lễ hội nghinh Ông của người Hoa Phan Thiết diễn ra theo trình tự, bao gồm 16 nghi lễ sau:
1.- Lễ “Thỉnh Thánh Mẫu ”
2.- Lễ “Thỉnh kinh”
3.- Lễ “Thỉnh nước”
4.- Lễ “Thỉnh chiêu ứng công” (hay 108 chư vị Thần)
5.- Lễ “Khai kinh”
6.- Lễ “Yết Quan Thánh, Cáo Tiền Hiền”
7.- Đoàn lễ Hội quán Quảng Đông ra mắt Quan Thánh
8.- Đoàn lễ Hội quán Phúc Kiến ra mắt Quan Thánh
9.- Lễ “Chiêu vong linh Tiền Hiền”
10.- Lễ ” Phóng đăng”
11.- Lễ “Phóng sanh”
12.- Đoàn lễ Hội quán Triều Châu ra mắt Quan Thánh
13.- Đoàn lễ Hội quán Hải Nam ra mắt Quan Thánh
14.- Lễ “cúng thí thực”
15.- Lễ “cầu quốc thái dân an”
16.- Lễ “Thỉnh thuyền”.
Phần Hội Nghinh Ông
Sau hai ngày với các nghi lễ lớn nhỏ, diễn ra theo tuần tự thời gian, không gian với sự mở đầu của lễ Thỉnh Thánh Mẫu và lễ kết thúc là lễ hoàn mãn để chuẩn bị bước vào giai đoạn thứ hai của Lễ hội Nghinh Ông. Điều đáng quan tâm, gây ấn tượng và để mãi trong lòng người dân Phan Thiết qua nhiều thế hệ chính là phần hội; đây cũng là nội dung quan trọng của lễ hội. Phần hội Nghinh Ông chính là đặc trưng trong lễ hội của người Hoa ở Phan Thiết so với các nơi khác. Người dân ở Phan Thiết và từ các nơi đến quan tâm nhất đến Lễ hội Nghinh Ông là muốn được nhìn thấy, được tham gia trong dòng người, trong không khí tưng bừng nhộn nhịp của ngày hội.
—- Quảng cáo—-
Click để xem chương trình tour xe jeep
Lộ trình nghinh Ông du hành đường phố Phan Thiết
Xuất phát từ Quan đế Miếu – Trần Phú – Ngã Bảy Bưu Điện, thăm Hội quán Phước Kiến – Nguyễn Huệ – thăm Hội Quán Quảng Đông – Nguyễn Huệ rẽ phải – Đinh Tiên Hoàng – rẽ trái Lý Thường Kiệt – rẽ trái Trưng Trắc – Trưng Nhị thăm Hội Quán Triều Châu – rẽ trái Trần Phú – rẽ phải Đội Cung – thăm Hội Quán Hải Nam – Trưng Nhị – Nguyễn Văn Cừ – Ngã bảy Bưu Điện – Trần Phú – Triệu Quang Phục – Ngô Sĩ Liên – Ngư Ông – Trưng Trắc – rẽ trái Trần Hưng Đạo – rẽ phải Nguyễn Thái Học – rẽ phải Trần Quốc Toản – Nguyễn Thị Minh Khai – vườn hoa Đức Nghĩa – Nguyễn Tri Phường – Ngô Sĩ Liên – Quan Đế Miếu.Mời các bạn thưởng thức những hình ảnh đẹp của lễ hội nghinh ông truyền thống Phan Thiết qua những tấm ảnh của Nhiếp ảnh: Lê Duy Tân
Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa ở Phan Thiết thể hiện rõ tín ngưỡng, tôn giáo của người Hoa đối với các vị Thánh Thần, Quan Thánh được thờ tự từ lâu đời ở Quan Đế Miếu, đó cũng là truyền thống văn hóa của người Hoa và một bộ phận người dân Phan Thiết. Đây cũng là một lễ hội góp thêm màu sắc phong phú cho du lịch Phan Thiết.