Câu chuyện về nước mắm của người Việt

Hồi xưa tôi ở Phan Thiết, đã chứng kiến nhiều chuyện liên quan đến nước mắm, từng sống chung với thành phố nồng nặc mùi nước mắm Phan Thiết. Thùng lều ở chung với nhà dân. Những xe xác mắm làm nín thở mọi người khi chúng chạy ngang qua thành phố. Những học trò đi học quần áo cũng có mùi đặc trưng ấy. Những người có kinh nghiệm mỗi khi mua nước mắm đều rót một chút vào lòng bàn tay, rồi dùng hai tay xoa nhẹ nhiều lần với nhau trước khi đưa lên mũi ngửi, để đánh giá nước mắm thật hay nước mắm giả, và thật mấy phần trăm.

Trước 1975, có một nữ bác sĩ người Mỹ đã hùng hồn tuyên bố trên báo Việt là không có món ăn nào bổ dưỡng cho bằng chuối chấm nước mắm. Và những chuyện tình yêu, nghề nghiệp liên quan đến con cái các chủ nhân của Vương quốc nước mắm một thời. Hồi xưa, có một lần mẹ tôi đem về hai chai nước mắm màu vàng óng trong vắt như mật ong. Bà tuyên bố: Đây không phải là loại nước mắm thường, mà là nước mắm nguyên chất được hứng từng giọt lần đầu tiên hay lần thứ hai. Loại nước mắm siêu đẳng này không bán mà chỉ để nhà dùng hay biếu tặng. Cả nhà đều trầm trồ nhưng khi ăn, mọi người đều thất vọng, vì nó quá đậm mùi. Khi người ta quen nước mắm đã pha thì nước mắm nguyên chất này hoàn toàn xa lạ với khẩu vị của họ. Nhưng không thể chối cãi là nó có một vị ngọt đậm đà mà các loại nước mắm bán không bao giờ có được.

 

Hồi 1942, anh hai tôi học ở Taberd Sài Gòn, là trường Đạo, năm thứ 4. Mỗi thứ 7 hàng tuần, các học trò nam được hướng dẫn đến Nhà Nguyện (Chapel) để dự Thánh Lễ dù có Đạo hay không. Hàng ghế bên trái dành cho nam sinh, và hàng ghế bên phải dành cho các nữ sinh một trường Đạo khác. Anh hai kể tôi nghe, mỗi khi dự lễ chung, anh có để ý đến một cô bên hàng ghế kia. Và cô kia cũng để ý đến anh. Hai người cứ lén nhìn nhau. Sau đó họ làm quen với nhau cô ấy nói cô là con một Hàm-Hộ (Chủ nhân thùng lều nước mắm) ở Đức Thắng Phan Thiết. Cô ấy tên H, có một em gái tên C, bạn học cùng lớp với tôi. Anh hỏi tôi có biết C không? Dĩ nhiên là tôi biết. Tôi ngồi cạnh nó trong lớp, quần áo nó lúc nào cũng phảng phất mùi nước mắm. Mỗi lần tôi theo nó về nhà, chị nó thường đem kẹo bánh cho tôi ăn, ôm ấp tôi, hỏi chuyện về anh tôi. Chuyện tình yêu của hai anh chị chẳng đi đến đâu, vì chiến tranh làm chia cắt hai người. Anh đi xa, chị lấy chồng. Nhưng mỗi lần gặp tôi, chị đều bùi ngùi hỏi tin anh tôi.

—- Quảng cáo—-

Các ông bà chủ vựa nước mắm vì đã trãi qua bao sự gian nan, nghèo khổ, để vươn lên giai cấp giàu có nên họ luôn muốn bù đắp sự ít học của họ bằng tham vọng cho con cái học giỏi. Một gia đình Hàm-Hộ gởi ba ông con trai qua Pháp học. Cả ba ông đều tốt nghiệp Bác sĩ Y Khoa ở Paris. Về nước, hai ông đầu qua Campuchia hành nghề, còn ông em út về Sài Gòn lấy vợ, rồi về quê hương Phan Thiết mở phòng mạch tư bên cạnh nhà tôi. Chúng tôi rất thân nhau. Mỗi buổi tối, chúng tôi bắt ghế ra sân hóng mát nói chuyện. Có khi một xe cyclo chở bệnh nhân đến, ông tỉnh bơ nói: Bác sĩ đi vắng rồi, anh chở qua phòng mạch khác đi. Ông cyclo chắc chắn biết mặt bác sĩ nhưng ông nghe lời. Sau đó bác sĩ nói với chồng tôi: Hồi đó tôi học Y là vì có sẵn sách vở của hai ông anh, nếu biết nghề Y khổ như vầy, tôi không bao giờ theo. Ông cao lớn, thô kệch, tuy tốt nghiệp ở Pháp nhưng tâm hồn vẫn là người con Đức Thắng Phan Thiết. Một lần ông kêu mẹ của một bé bệnh nhân là bà. Bà kia lật đật phản đối: Trời ơi bác sĩ! Đừng kêu tui bằng bà tui tổn thọ chết. Ông đổi lại gọi bằng chị. Bà kia nói: Tui còn nhỏ lắm, bác sĩ kêu chị không dám nhận đâu. Ông ngừng tay nhìn chị: Kêu bà không được, chị cũng không cho, vậy tôi kêu bằng bà-nội nghe.

Ông cho đứa con gái đầu đi Pháp học, qua bên ấy, nó được một gia đình Pháp ẩn danh cho học bổng suốt 5 năm đại học. Đến khi tốt nghiệp, Mạnh Thường Quân mới bắt đầu lộ diện, bằng cách mở một bữa tiệc để chúc mừng những người họ đã từng giúp đỡ. Trong bữa tiệc ấy, cô bé đã phát giác ra rằng người mà cô yêu từ bấy lâu nay là con của gia đình này. Anh hiện cũng là một Bác sĩ Y khoa.

Khi anh xin cưới nó, anh đã nói với nó rằng: Có vài điều anh cần nói với em trước khi chúng ta lấy nhau, đó là anh đã chọn một nghề phải chịu nhiều áp lực và hy sinh. Không phải chỉ mình anh hy sinh, mà vợ anh lắm khi cũng phải hy sinh như thế. Ví dụ nhiều đêm anh sẽ không thể về nhà, không thể ở cạnh em. Nhiều khi trong chăn ấm, nệm êm, em đang ở trong vòng tay anh, anh phải vùng lên khi nghe tiếng điện thoại, rồi anh bỏ đi lo cho người khác… Em có chấp nhận những điều ấy không? Nó nói: Ba em cũng là một bác sĩ nên em biết các điều ấy. Em chấp nhận.

Trong thành phố nhỏ như thành phố Phan Thiết những năm 42-43, nghề thầy cô giáo là một chức danh lớn, được kính trọng. Lúc ấy chỉ có cấp 1 chưa có cấp 2. Không có mầm non, mẫu giáo. 6 tuổi vào lớp Năm (tức lớp 1 bây giờ), lớp Nhì và lớp Nhất (tức là lớp 4 và lớp 5 bây giờ), học trò đã phải làm luận bằng Pháp Văn.

Hồi ấy thầy S dạy lớp Nhứt là lớp cao nhất ở Phan Thiết. Thầy mướn một nhà nhỏ hai phòng. Một phòng khách và một phòng ngủ luôn sạch như lau như ly. Nhà thầy ở cạnh nhà tôi. Cha mẹ tôi nhờ thầy dạy thêm cho hai anh tôi (lớp Nhứt) và hai chị em tôi (lớp Nhì và lớp Tư), vừa học chữ vừa học thể dục. Mỗi sáng chúng tôi đến nhà thầy tập thể dục. Có buổi hai chị em tôi vừa tập, mắt vừa mở không lên. Thầy bảo: Thôi hai đứa vô nhà thầy ngủ đi. Còn mấy thằng con trai theo thầy tập. Rồi một hôm, thầy xin thôi dạy chúng tôi vì thầy sắp lấy vợ. Vợ thầy là một cô giáo dạy nghề thêu, kiêm may y phục trẻ con theo lối Tây Phương. Cô không đẹp, hơn 30 tuổi và là con gái một nhà Hàm Hộ nước mắm. Thấy tôi buồn quá vì tôi luôn được thầy cưng chiều nhất, một hôm thầy đưa tôi đến một hiệu lớn: Con muốn cái gì thầy mua cho. Thật ra, tôi chẳng muốn gì cả, nhưng tôi chỉ cây kèn Harmonica nhỏ xíu, dù tôi không biết thổi nhưng tôi vẫn không hết buồn. Vài tháng sau, thầy mời 4 anh em tôi đến nhà thầy ăn cơm. Thầy đã về ở nhà vợ thầy, một ngôi nhà lớn theo kiểu biệt thự, sau khi ăn, thầy hỏi: Các con ăn ngon không? Tụi tôi nói: Dạ ngon. Thầy hỏi thêm: Các con thấy nhà thầy đẹp không. Tụi tui cũng nói: Dạ đẹp. Ra đến cửa, anh tôi nói: Thầy bây giờ khác quá, anh không thích thầy nữa!

Trước kia, nhiều khi tôi thấy mấy cô xinh đẹp thường đến thăm thầy. Sau đó thầy bảo: Họ là học trò cũ của thầy. Từ đó, thầy có vẻ xa lạ với chúng tôi. Thầy đã bước ra khỏi thể giới trẻ thơ của chúng tôi.

Một anh chàng sinh viên được một bà Hàm Hộ mời dạy cho các con bà. Mỗi lần đến dạy, bà đều tiếp đãi nồng hậu, gọi con gái bưng nước chanh, nước cam, bánh trái lên mời thầy. Bà ăn nói dịu dàng ấm áp với thầy dạy, bà đối xử yêu thương với các con và ngay cả bạn của các con. Mỗi lần con dắt bạn về nhà, bà đều lấy bánh ra mời, cho mỗi đứa một cắc bạc. Dần dần thầy giáo bỗng cảm thấy thèm có người mẹ hiền hậu, quan tâm như vậy, rồi dần dần anh ta bỗng có tình cảm với một trong các con gái của bà. Nhưng cô kia không thích anh ta, vì lúc ấy anh gầy và chưa thành danh. Sau này anh nói: Tôi thực sự không yêu cô ấy, nhưng tôi thích có mọt người mẹ như vậy. Ở nhà, mẹ anh khó tính, cáu gắt cả ngày. Chưa bao giờ anh nghe một lời dịu dàng từ bà đối với anh. Khi anh đã thành danh, cô gái muốn quay lại với anh, nhưng lúc ấy anh đã có người khác.

Sau 75, vật đổi sao dời, các thùng lều thay tên, đổi chủ. Nhiều gia đình Hàm Hộ ra đi bằng những chuyến vượt biên bằng thuyền. Nhiều năm sau này, vài cô bạn Đức Thắng xưa trở về tìm thăm tôi. Ngồi suốt bữa ăn nghe cô ấy kể những gian truân khi bỏ xứ, bỏ cuộc sống sang giàu, quen làm chủ nhân, ra đi, giao mạng mình cho đại dương hiểm ác. Cô cháu ruột lai Pháp 49 năm gặp lại của tôi ở Paris đã nấu các bữa ăn với nước mắm. Người mẹ không biết Tiếng Việt này đã dạy chồng con cầm đũa và thưởng thức nước mắm. Đứa con trai chưa bao giờ đến Việt Nam đã mê nước mắm đến nỗi nó cho rằng, nếu không có nước mắm bữa ăn sẽ hoàn toàn vô vị.

Như vậy, nước mắm truyền thống Việt Nam không chỉ là một thứ nước chấm bình thường nhưng là tinh tuý thấm đẫm mùi vị quê hương. Nước mắm cũng chính là cái hồn của Việt Nam

Ghi chép của nữ thi sĩ Huyền Chi

📍Nước mắm Hải Quyên
Showroom | số 29 Nguyễn Thông – Phan Thiết
Từ 7h30 – 19h

>>>Đọc thêm:
Mua đặc sản Phan Thiết nào làm quà
Tour xe jeep tham quan Mũi Né
Kinh nghiệm du lịch Phan Thiết tự túc

5/5 - (1 bình chọn)

error: Content is protected !!