Thừa Thiên Huế được Bộ VHTTDL ủng hộ đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025

Ngày 12/4, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế do Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu làm trưởng đoàn. Dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Tạ Quang Đông; lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh TITC)
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh TITC)

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh có hệ thống di sản văn hóa phong phú, đặc sắc, bảo tồn nhiều giá trị di sản thế giới và quốc gia: gồm 07 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh. Trong đó, di sản nghệ thuật ca Huế đang tiếp tục thực hiện các thủ tục để xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

>>> Tham khảo: Khách sạn giá tốt nhất tại Huế

—- Quảng cáo—-

Đặc biệt, các kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế (từ năm 2022 Festival Huế chuyển đổi hình thức thành Festival bốn mùa) được tổ chức thành công đã góp phần khẳng định vị trí về chính trị, văn hóa và du lịch, mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế.

Trong lĩnh vực du lịch, Quý I/2024, lượng khách đến Huế ước đạt 891.779 lượt, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế ước đạt 446.864 lượt, tăng 74,6%; khách nội địa ước đạt 444.915 lượt, tăng 17,9%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.710,8 tỷ đồng, tăng gần 20,9%.

Trong thời gian tới, để lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch ngày càng phát triển, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ tỉnh về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế; vốn từ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa; đồng ý để Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia – Huế năm 2025; quan tâm ủng hộ tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác xây dựng các hồ sơ di sản, di tích.

Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Năm Du lịch Quốc gia là một sự kiện du lịch lớn nhất năm, đang ngày càng hướng đến thu hút khách du lịch quốc tế với nhiều hoạt động hấp dẫn, phong phú. Đây là cơ hội để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Việt Nam thông qua giới thiệu, quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương.

“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá cao đề xuất và hoàn toàn nhất trí, ủng hộ Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025 bởi tỉnh sở hữu nguồn di sản văn hóa và du lịch vô cùng đa dạng và phong phú, cơ sở vật chất hạ tầng du lịch hoàn thiện. Nếu Thừa Thiên Huế được chọn đăng cai sự kiện này thì tỉnh sẽ là địa phương thứ 4 trên cả nước có 2 lần được đăng cai tổ chức sự kiện du lịch lớn này”, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu dẫn đầu đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh: TITC)
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu dẫn đầu đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh: TITC)

Để đảm bảo tốt việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia, theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, Thừa Thiên Huế cần có cam kết mạnh mẽ để triển khai tốt các hoạt động. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần đổi mới nội dung, phương thực triển khai. Việc lựa chọn chủ đề cần gắn với sự phát triển du lịch của địa phương, phù hợp với tổng thế phát triển du lịch chung của đất nước. Ngoài ra, tỉnh cũng cần đảm bảo nguồn lực để triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia, đặc biệt là công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ như Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Thể dục thể thao… cũng đã cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến nội dung đề xuất của tỉnh, trong đó tập trung vào đề xuất xây dựng hồ sơ ca Huế trở thành Di sản thế giới; công tác quản lý, tổ chức lễ hội, quy hoạch tỉnh; đề xuất tổ chức liên hoan Múa quốc tế 2024…

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Thừa Thiên Huế là địa phương có phong cảnh thiên nhiên, văn hóa, di sản, nghệ thuật phong phú, đây là thế mạnh để thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh. Về Festival Huế, sự kiện đã trở thành thương hiệu của Thừa Thiên Huế, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, trong năm 2024 cần quan tâm để sự kiện này tiếp tục là sản phẩm đặc sắc cho văn hóa, du lịch của Huế.

Cảm ơn các ý kiến chia sẻ, đóng góp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết, trong thời gian qua, được sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh.

Tỉnh mong sẽ nhận được sự ủng hộ, đồng tình của Bộ trong việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025 và sẽ đổi mới việc tổ chức, các hoạt động của Festival Huế 2024 để thúc đẩy du lịch Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Đánh giá cao sự chủ động tích cực của Thừa Thiên Huế trong việc triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết trọng tâm yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng thành phố Huế trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa phát triển để làm điểm cho cả nước.

Chính vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Thừa Thiên Huế đã cùng nhau thống nhất sau hai năm cùng nhau thực hiện phát triển văn hóa gắn với du lịch và phát triển bền vững, Thừa Thiên Huế đã tiệm cận được vấn đề này, tạo ra nhiều dấu ấn trong du lịch và văn hóa.

Bộ trưởng cho rằng, Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều di tích, di sản văn hóa. Vì vậy, tỉnh cần tập trung nguồn lực để phát huy giá trị di sản, phục vụ phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung, đảm bảo nhanh và bền vững.

Với những lợi thế của mình, du lịch Thừa Thiên Huế trong những năm qua đã có sự phát triển mạnh mẽ, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên Bộ trưởng vẫn mong muốn du lịch Thừa Thiên Huế cần có sự đổi mới, đột phá hơn nữa trong công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch để thu hút thêm nhiều du khách.

Về du lịch, Bộ trưởng gợi ý Thừa Thiên Huế có thể đẩy mạnh đầu tư phát triển sản phẩm du lịch y tế kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch MICE kết hợp với việc tổ chức Festival Huế và tăng cường quảng bá du lịch thông qua các tác phẩm điện ảnh trong nước và quốc tế…

Bộ trưởng cũng đề nghị TP. Huế cần nghiên cứu sâu về Đề án xây dựng thành phố sáng tạo nằm trong chuỗi thành phố sáng tạo của UNESCO. Bộ trưởng cho biết, Việt Nam hiện có 3 thành phố sáng tạo là Hà Nội, Đà Lạt và Hội An. Huế có những ưu điểm về ẩm thực, văn hóa áo dài…, cần biến những lợi thế này để xây dựng thành phố sáng tạo.

Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu tặng quà kỷ niệm Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng (Ảnh: TITC)
Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu tặng quà kỷ niệm Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng (Ảnh: TITC)

Về việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025, Bộ trưởng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng tình với đề xuất này, Bộ sẽ có báo cáo với Chính phủ, đồng thời giao Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Du lịch Thừa Thiên Huế xây dựng logo, bộ nhận diện, ý tưởng, triển khai thủ tục thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức để chuẩn bị cho sự kiện quy mô này.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đã cho ý kiến về công tác quy hoach, tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trung tâm Thông tin du lịch
Nguồn: https://vietnamtourism.gov.vn/post/55827

>>> Đọc thêm:
Jeep Tour tham quan Mũi Né 
Kinh nghiệm du lịch Mũi Né tự túc 2 ngày 1 đêm
Kinh nghiệm du lịch đảo Phú Quý
Nên đi Phan Thiết bao lâu ?

5/5 - (1 bình chọn)

error: Content is protected !!