“Làng Nga” đối mặt cạnh tranh

TT – Một thời Mũi Né – Phan Thiết được mệnh danh là “Matxcơva của VN” hay “làng Nga” – do đi đâu cũng gặp du khách Nga. Thế nhưng, thời gian gần đây “làng Nga” đã không còn nhộn nhịp khách Nga như trước.

Khách Nga trên đường Nguyễn Đình Chiểu (P.Hàm Tiến, TP Phan Thiết), nơi được mệnh danh là “Matxcơva của VN” – Ảnh: Ng.Nam

Số liệu của Tổng cục Du lịch VN cho biết lượng khách Nga đến VN ngày càng tăng, bốn tháng đầu năm tăng gần 35% so với cùng kỳ, trong khi lượng khách Nga đến Bình Thuận chỉ tăng 22%. Đặc biệt, lượng khách Nga đến “làng Nga” có xu hướng giảm dần từ đầu năm đến nay, trong đó tháng 4 giảm gần 28% so với tháng 1-2014.

—- Quảng cáo—-

Không còn nhiều như trước

Dạo quanh tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu nối liền khu vực Hàm Tiến – Mũi Né đâu đâu cũng thấy các cửa hàng, quán xá, nhà hàng trưng bảng hiệu cung cấp dịch vụ lữ hành, matxa, cho thuê xe máy, thực đơn… bằng tiếng Nga. Bất kể vào sáng sớm hay chiều tối, người đi đường đều dễ dàng nhìn thấy những du khách nước ngoài – mà chủ yếu là khách Nga – đi dạo phố mua sắm, chạy bộ, tản bộ về phòng nghỉ sau khi tắm biển…

Tại một quán tạp hóa trên đường Nguyễn Đình Chiểu (P.Hàm Tiến), một vị khách Nga, ông Gamzatov, tạt vào mua một chai bia thương hiệu Việt rồi ngồi trên ghế đá đặt trước cửa tiệm uống: “Bạn bè tôi đã đến đây rồi giới thiệu tôi đến. Bãi biển đẹp, hải sản tươi rất ngon, giá rẻ. Tôi định ở lại trong một tháng và đây là nơi tôi từng ở lâu nhất khi đi du lịch”. Một nhân viên tại quán ăn Minh Lộc (đối diện bờ kè Hàm Tiến) cho biết các quán tại đây chủ yếu nhờ khách Nga vì họ ở lại lâu và đến thường xuyên, nhưng “từ đầu năm đến nay khách Nga có vẻ thưa thớt, các quán cũng vắng khách hơn”.

Ông Trần Anh Thi, giám đốc điều hành của resort 4 sao The Sailing Bay (P.Mũi Né), cho biết 3-4 năm trước khách Nga đến Mũi Né tăng trưởng ồ ạt, “đi đâu cũng gặp khách Nga, biển hiệu tiếng Nga tràn ngập đường phố”. Tuy nhiên, khách quốc tế ở những quốc gia khác như Tây Âu lại bỏ đi. Khi khách Nga giảm, nhiều resort sẽ gặp khó khăn trong việc thay đổi cung cách phục vụ, tiếp thị để đón luồng khách quốc tế khác, trong khi khách nội địa chỉ đông vào mùa hè.

Phụ thuộc nguồn khách

Giải thích về việc lượng khách Nga đến Phan Thiết, Mũi Né giảm dần thời gian gần đây, ông Nguyễn Đức Tấn, giám đốc điều hành Công ty Focus Travel, cho biết trước đây các chuyến bay chở khách Nga đến TP.HCM, rồi chuyển khách bằng đường bộ ra Mũi Né. Tuy nhiên, sau khi sân bay Cam Ranh và Phú Quốc đi vào hoạt động, các chuyến bay charter flight đưa khách Nga thẳng đến Nha Trang hoặc Phú Quốc thay vì Phan Thiết. “Sau hơn 10 tiếng bay thẳng, chỉ cần thêm vài chục phút đã có thể nghỉ ngơi ở các khu resort thay vì mất thêm năm giờ di chuyển từ TP.HCM đến Mũi Né, nên Mũi Né dần không còn là lựa chọn hàng đầu của các công ty này” – ông Tấn giải thích.

Bà Hoàng Thị Phong Thu – đại diện Công ty Pegas tại VN, công ty đã đưa hơn 54% lượng khách Nga vào VN năm 2013 – cho biết trong năm nay sẽ giảm đưa khách đến Bình Thuận, chỉ tập trung bay đến Nha Trang và Phú Quốc do đường bay thuận lợi.

Theo bà Thu, chỉ tính riêng tại Nha Trang, mỗi ngày công ty đã đặt và trả tiền cho hơn 500 phòng khách sạn năm sao, các khách sạn ba sao cũng vài chục phòng/ngày mới đáp ứng đủ nhu cầu khách Nga.

Khó xoay chuyển tình hình

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khoa, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cho biết việc Pegas cắt giảm đưa khách đến Bình Thuận sẽ có ảnh hưởng nhất định đến lượng khách Nga tới Bình Thuận, nhưng các doanh nghiệp lữ hành phải dự báo được chuyện này, chủ động tìm kiếm thị trường mới.

“Các thành viên hiệp hội cũng chủ động tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, tìm đối tác mới để đa dạng nguồn gửi khách nếu đối tác cũ không đưa khách đến nữa” – ông Khoa nói. Cũng theo ông Khoa, các doanh nghiệp lữ hành, resort, khách sạn tự phân định với nhau khu vực phục vụ khách, hạn chế tránh tình trạng khách châu Âu phải ở cùng khách Nga hoặc khách đến từ những vùng khác nhằm đảm bảo việc cung cấp dịch vụ tốt nhất có thể theo nhu cầu đặc trưng của từng thị trường khách.

Trong khi đó ông Hoàng Hữu Lộc, chủ tịch HĐTV Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết ngoài lượng khách tự tìm đến nhưng không nhiều, các công ty lữ hành VN vẫn chủ yếu dựa vào nguồn khách do đối tác gửi. “Chúng ta hoàn toàn bị động trong việc đón khách quốc tế vào VN (khách inbound), nhất là thị trường khách inbound đã ổn định với từng thị phần riêng rẽ, khu trú rõ ràng… Đối tác đưa vào đoàn khách nào thì công ty lữ hành, khách sạn, resort cung cấp dịch vụ cho đoàn khách đó” – ông Lộc phân tích.

Theo thống kê của Sở Văn hóa – thể thao & du lịch Bình Thuận, trong bốn tháng đầu năm 2014, địa phương này đón 61.000 lượt khách Nga, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lượng khách Nga có xu hướng giảm dần, từ 17.535 lượt khách vào tháng 1-2014, xuống còn 15.803 lượt khách vào tháng 2, tháng 3 còn 15.117 lượt khách và tháng 4 chỉ còn 12.634 lượt, giảm 28% so với tháng 1-2014.

Ông Ngô Minh Chính, giám đốc Sở Văn hóa – thể thao & du lịch Bình Thuận, cho rằng trước đây chỉ có một điểm đến là Mũi Né, còn hiện nay có thêm nhiều điểm đến khác nên đối tác chuyển khách Nga sang những điểm mới là điều bình thường. Theo ông Chính, sau khi Pegas chuyển địa điểm đưa khách Nga đến, địa phương cũng đang tìm đối tác lớn khác chuyên về khách Nga để kéo khách về địa bàn này. Trong tháng 9-2014, Bình Thuận sẽ có đoàn đi Nga để làm công tác quảng bá, giao kết với các đối tác Nga.

LÊ NAM – NG.NAM
Yahoo.vn

Bình chọn bài viết

Trả lời

error: Content is protected !!